Kinh nghiệm tắm biển Marseille
Mình viết bài này bởi cứ mỗi khi hè đến là rất nhiều bạn bè hỏi mình làm thế nào để thuê nhà và tắm biển Marseille thì đi những đâu. Kì thực mình luôn thấy rất may mắn vì được ở Marseille những 4-5 năm. Những mùa hè với mình đích thực là Endless summer vì nói đúng nghĩa đen là ngày nào cũng có những điều kì diệu xung quanh để khám phá, và những điều bạn vẫn hay mơ mộng về khung cảnh thần tiên bên bờ biển đều có thể tìm ở Marseille : biển, núi, đảo, vịnh, làng, chưa kể cánh đồng hoa oải hương thơm ngát phía xa xa. Mình có thể tự tin nếu bạn nào xuống 3 tháng mình cũng có thể dẫn đi chơi mỗi ngày một điểm khác nhau. Ở Marseille bạn cảm thấy như mình chỉ cách hai bước chân tới thiên nhiên và lúc nào cũng muốn có thể tiến gần hơn nữa.
Người ta đến Marseille cũng còn rất hay vì nó tiện bắt xe đi những điểm du lịch nổi tiếng Châu Âu như cánh đồng oải hương Valensole, vịnh đẹp nhất Châu Âu Gorges du Verdon và vô số làng Provence xinh như tranh.
Nhắc đến Marseille là nhắc đến biển. Nhưng nói đi tắm biển không có nghĩa là tắm đâu cũng giống nhau. Có chỗ sâu, chỗ nông, chỗ hợp ngâm mình, chỗ hợp lặn. Mình vẫn nhớ những buổi sáng đi tắm với đồng nghiệp đến 9h rồi về tắm rửa nhà đồng nghiệp rồi về làm việc luôn. Hình như nước biển lạnh có vi lượng gì hay sao mà mình thấy luôn rất khỏe những ngày hít thật sâu lao xuống vùng nước lạnh chỉ tầm 25 độ C và nghe sóng lạnh đập vào làn da như vuốt ve trêu trọc.
Bài này mình sẽ liệt kê những kiểu tắm biển hay có ở Marseille và những điểm gợi ý nhé
Tắm biển Calanques
Nói đến Marseille là nói đến calanques, chuỗi vịnh có thể gây choáng ngợp cả những du khách khó tính nhất. Mình có một người bạn xưa còn dán một tấm bản đồ chi chít khoảng 30 cái calanques để mỗi chủ nhật đi một cái mà vẫn không hết. Chính vì vậy nếu bạn nào nói là xuống Marseilles hôm sau muốn đi calanques là chưa rõ calanques nào để người bản xứ dẫn đi nhé.
Những con lạch huyền thoại calanques là một phần không thể thiếu trong danh sách những di sản thiên nhiên của Marseille, và chiếm một vị trí quan trọng trong phong cách sống rất là dolce vita của người miền Nam. Xưa calanques vốn được sử dụng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đánh bắt cá, chúng cũng gắn với các ngành công nghiệp, đặc biệt là với các nhà máy sản xuất xà phòng ở Marseille, trước khi phục vụ cho nhu cầu đi bộ đường dài và các chuyến du thuyền.
Calanques xuất phát từ “calanco” trong tiếng Provencal, có nghĩa là dốc. Calanque là một thung lũng được vốn được khoét bởi một con sông, sau đó được lấy lại bởi biển. Lãnh thổ của Marseille bao gồm 25 trong số 26 calanques, con lạch cuối cùng ở Cassis.
Calanques cũng có this và that, dễ và khó. Bạn sẽ được tắm biển sau khi leo hết một đoạn núi dốc dài nên tắm biển trong trường hợp này giống như một phần thưởng sau một cuốc leo núi cực nhọc. Tắm xong lại cũng một cung đường ấy để quay về “đồng bằng”
Có một số calanques nhiều người đi nhất như
Surgiton: Đi bus B1 bắt từ ngay Vieux-Port xuống xe ở điểm cuối Luminy rồi hỏi người dân điểm vào để đi vào.
Sormiou: Bằng xe buýt, chỉ cần đi tuyến 23, xuống ở trạm La Cayolle. Nếu đi xe thì là bãi đậu xe Baumettes hoặc La Cayolle. Sẽ mất khoảng một giờ đi bộ để vào đến, nhưng đây là calanques mình đánh giá là đi ít nguy hiểm và vất vả nhất!
Morgiou: Bạn có thể đến Calanque de Morgiou bằng ô tô, chỉ cần đỗ xe ở bãi đỗ xe Morgiou cách vịnh không xa. Bằng cách đi xe buýt, đi tuyến 22 và xuống tại trạm dừng Les Baumettes, cũng gần calanque.
Port Pin-D’en Vau: Hai calanques này nằm trên một cung đường. Để đến nơi bạn cần đến Cassis bằng tàu từ ga Blancard, rồi bắt một chiếc buýt từ cổng ga rồi hỏi đi vào Port Pin thế nào, thì thường họ sẽ chỉ bạn dừng ở centre de cassis. Nhưng bạn yên tâm rất nhiều người có cùng ý định đi như bạn nên bạn chỉ cần đi theo dòng người là sẽ đi được
Link xem buýt: https://www.rtm.fr/
Link đặt vé tàu: https://www.sncf-connect.com/
Các bạn hãy đọc một bài viết mình làm riêng về calanques ở đây nhé
Những bạn mới hoặc những người muốn khởi động nhẹ nhàng trước những calanques khó hơn thì hãy chọn Surgiton với khoảng 1h đi vào.
Calanques Morgiou và Sormiou cũng đều có thể mang lại những thước ảnh cực đẹp từ trên cao nhưng khá cheo leo. Cuối cùng, calanques D’en Vau mà chúng mình hay gọi vui là Đen Vâu được bình chọn là calanques đẹp nhất thì chủ yếu đường bằng nhưng khá dài bạn phải xác định 3H đi vào 4H đi ra (vì ra không còn sung sức)
Mình thích nhất tắm biển ở calanques vì nó không đông như bãi cát ngoài thành phố, nên nước sẽ trong sạch hơn. Thứ hai là vịnh không có nhiều sóng nên rất dễ bơi ra bơi vào. Thứ ba là không cần đi quá xa để ngắm san hô bằng kính và ống thở. Nói chung là rất khó tìm được lời nào để diễn tả việc tắm biển ở calanques vì nó rất tuyệt vời và hoang dã.
Chú ý là đi calanques không cần gì nhiều nhưng đặc biệt cần đồ tắm và ít nhất 1L nước mỗi người (vì bạn sẽ hoạt động thể chất rất nhiều). Nếu có thể, bạn có thể ra Decathlon (ở ngay Terrasse du Port) để mua thêm ống thở và mặt nạ lặn cùng chân vịt để lặn sâu ngắm san hô khoảng 30 phút nhé.
Tắm biển ở bãi biển trong thành phố
“Thực trạng” một buổi sáng đi tắm biển, bỏ đồ trên tảng đá và nhảy ùm xuống làn nước lạnh như băng của tháng 4
Lựa chọn này sẽ dành cho những bạn không có nhiều thời gian mà chỉ có thể quẩn quanh trong thành phố. Cái này có lẽ là lựa chọn mà mọi người nghĩ đến đầu tiên, vì tắm biển không ra bãi biển thì đi đâu. Nhưng đây có lẽ là giải pháp có điểm trừ vì các bãi biển quá đông khách du lịch nên vấn đề nước sẽ không sạch bằng. Một số bãi tắm nổi tiếng nhất Marseille xếp theo mức độ xa gần là:
Catalans (dễ đi nhất), Prado, Baies des singes, Estaque, Pointé Rouge
Tất cả các nơi trên bạn đều có thể bắt buýt trong thành phố
Hãy xem để đặt buýt hoặc tàu thủy tại trang này nhé: https://www.rtm.fr/
Bạn có thể đổi gió, thay vì đi buýt, có thể bắt tàu thủy từ Vieux Port đến Pointé Rouge rồi đến Goudes nhé. Có một chuyến khác cũng hay ho là từ Vieux Port đến Estaque. Ở bãi biển bạn cũng hoàn toàn có được những tấm ảnh biển đẹp mê hồn. Ở đây ngắm hoàng hôn cũng rất đẹp (nhất là Catalans) mà dịch vụ ăn uống tắm nước ngọt cũng sẵn nhất. Biển đông người nhưng lại phù hợp để bạn tụ tập board game, uống rượu bia, quẩy, ăn pizza. Tắm ở bãi biển thì nên đề phòng trộm cắp và covid (vì biển thì đông như kiến rồi)
Thường thì thảo nào biển ở đây cũng có những khu vực bạn có thể đi từ đá xuống nước. Nhưng cái này có lẽ chỉ dành cho người bơi giỏi, chịu tốt nhiệt độ vì mình thấy nước sâu và lạnh hơn ngoài bãi cát nhiều. Có một sáng mình đi với các bạn đồng nghiệp đi lặn ở Malmousque mà như thể người được thả vào xô đá. Bù lại, nơi này hoang dã dường như không có ai và san hô thì nhiều mà đẹp (một điều mà bãi cát không thể có được)
Tắm biển ở đảo
Ngoài Calanques thì nếu bạn không muốn quá nhọc công để leo trèo (thực sự có những ngày mình không có mood leo trèo lắm mà mình cũng sợ đô cao) thì có một kế hoạch nhẹ nhàng hơn mà vẫn được tắm biển đó là đi đảo bằng tàu biển từ bến Vieux-Port.
Cách đi: Ra cảng Vieux-Port để bắt tàu đi Frioul theo link này
https://www.lebateau-frioul-if.fr/
Đảo Frioul thực sự rất hoang sơ mà đẹp phù hợp để cả tắm lẫn ngắm hoàng hôn. Bạn có thể đi từ chiều khoảng 4-5 giờ leo lên núi ngắm mặt trời lặn trên biển. Để leo cũng dễ và nhanh hơn leo calanque mà cảnh thì nhuộm một sắc vàng đỏ tuyệt đẹp của hoàng hôn.
Ai đi vào ngày 14/7 thì có thể ở lại tới tối để xem bắn pháo hoa từ đảo, ai máu hơn nữa có thể đi nhóm đông để cắm trại qua đêm nha. Yên tâm là mùa hè tàu buổi tối vẫn chạy đều mỗi tội hơi lạnh và nước sẽ tung tóe bọt lên người nên bạn nên chuẩn bị chiếc áo mỏng.
Tắm biển ở làng chài
Chiều tháng 5 đi chơi làng Goudes
Từ nãy tới giờ mình nói về tắm biển mà các bạn có thấy mỗi kiểu tắm lại là một trải nghiệm khác nhau? Đi chơi một số làng chài hoặc thành phố ven biển (mà xưa là làng chài) như Cassis, La Ciotat và Les Goudes là một sự giao thoa giữa ngắm cảnh thiên nhiên và khám phá văn hóa. Bạn sẽ có cơ hội len lỏi qua từng con ngõ của ngôi làng để ngắm những ngôi nhà xếp bằng tôn inox, màu hồng, vàng hoặc cam.
Các bạn có thể tìm cách đi tại https://www.rtm.fr/
Những cuối tuần rong ruổi trên những bãi biển, bật nắp coca, nếm hương vị pizza hải sản trong tiếng nhạc xập xình là những câu chuyện mà mình và những người bạn ở Marseille sẽ không thể nào quên mỗi lần nhớ về thời sinh viên đen nhẻm trong ánh nắng vàng ươm của vùng Bouche-du-Rhône ấy.